Để cây ăn trái đạt năng suất cao, có chất lượng ngon thì phân bón là yếu tố không thể thiếu trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, tình hình sử dụng phân bón của nông dân rất khác nhau. Trong thực tế sản xuất, nhiều nông dân thường bón phân chưa hợp lý. Nông dân có thói quen bón nhiều phân đạm, không chú ý nhiều đến phân lân và ka li. Việc bón phân không hợp lý (nhất là bón nhiều phân đạm) có thể làm cho cây khó ra hoa, đậu trái. Nếu bón nhiều đạm trong giai đoạn nuôi trái có thể làm cho trái to, năng suất tăng nhưng chất lượng trái sẽ giảm, hiệu quả sản xuất không cao.
Cây ăn trái cần nhiều loại dinh dưỡng để sinh trưởng và cho năng suất, chất lượng nhưng trong đó, đạm, lân, kali là 3 yếu tố mà cây trồng cần nhiều nhất và ảnh hưởng lớn nhất đến năng suất, chất lượng trái cây.
- Phân đạm: Phân đạm giúp cây sinh trưởng, phát triển, đâm chồi, đâm đọt.... Nếu thiếu phân đạm, cây sẽ chậm đâm đọt, còi cọc, làm giảm năng suất đáng kể, nhưng bón thừa phân đạm, sẽ làm cho cây có nhiều cành lá sum suê, dễ bị sâu bệnh tấn công... làm giảm chất lượng, tăng tỷ lệ hao hụt, thất thoát.
- Phân lân: Lân cần thiết trong việc giúp cây đâm rễ, đâm chồi, phân hoá mầm hoa. Nếu thiếu lân, cây sẽ còi cọc, ít đâm đọt, khó ra hoa, đậu trái...
- Phân kali: Tăng cường vận chuyển dinh dưỡng, tăng tính chống chịu của cây đối với điều kiện bất lợi, giúp chồi mau thuần thục, dễ ra hoa, kali giúp tăng phẩm chất trái cây...
Ngoài ra, các yếu tố trung lượng, vi lượng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng chất lượng trái cây. Trung, vi lượng thường có mặt khá đầy đủ trong các loại phân bón lá. Bên cạnh đó, phân hữu cơ cũng đóng vai trò rất quan trọng, giúp cung cấp một phần dinh dưỡng cho cây, nhưng cơ bản nhất là làm cho đất tơi xốp, giữ ẩm cho đất, giảm thất thoát phân bón...
Để sử dụng phân bón đạt hiệu quả, có nhiều điều cần phải lưu ý như điều kiện đất đai, giai đoạn sinh trưởng, tình trạng sinh trưởng của cây, giống trồng.... Trong đó, quan trọng nhất là chủng loại, liều lượng phân bón theo từng giai đoạn sinh trưởng để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cây và cách bón thích hợp để cây sử dụng được nhiều nhất, ít bị thất thoát.
1. Về loại phân bón: Liên quan chặt chẽ với giai đoạn sinh trưởng của cây.
- Đối với cây còn nhỏ, chưa cho trái: Cây cần nhiều phân lân và phân đạm để thúc đẩy cây đâm rễ, đâm chồi. Do đó, cần tập trung bón nhiều phân đạm và lân cho cây. Phân lân nên bón lót, bón vào đầu hoặc cuối mùa mưa; đối với phân đạm và phân ka li nên chia nhiều lần bón hoặc tưới, khi đọt lá đã già.
- Giai đoạn cây đã cho trái: Nên chia làm 4 lần bón chính: Sau thu hoạch, trước khi xử lý ra hoa, giai đoạn nuôi trái và trước khi thu hoạch.
+ Sau thu hoạch: Là giai đoạn cây cần nhiều đạm và lân để ra rễ, đâm chồi. Cung cấp đủ đạm và lân sẽ giúp cây cho nhiều tược, tược mập mạnh....
+ Trước khi xử lý ra hoa: Cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, giúp cây thật sung tốt để cho cây phát hoa dài, khoẻ mạnh, dễ ra hoa, đậu trái. Giai đoạn này cần bón nhiều phân lân và kali, giảm phân đạm. Nếu bón thừa đạm sẽ làm cho cây ra tược, khó ra hoa.
+ Giai đoạn cây nuôi trái: Cây cần nhiều đạm để giúp trái phát triển, đồng thời cần kali để tăng cường vận chuyển dinh dưỡng về nuôi trái, giúp đảm bảo năng suất, chất lượng trái.
+ Trước khi thu hoạch: Khoảng 1-2 tháng trước khi thu hoạch (tuỳ theo giống/loại cây), không bón đạm mà bổ sung kali để giúp tăng chất lượng, màu sắc của trái cây, giúp trái ngon, đẹp và an toàn cho người sử dụng. Có thể phun phân kali qua lá.
2. Cách bón: Hiệu quả sử dụng phân bón rất khác nhau phụ thuộc vào cách bón, kết cấu đất. Nếu đất để chặt hoặc bón không đúng cách sẽ làm cho phân dễ bị rửa trôi, bốc hơi... Do đó, cần làm cho đất tơi xốp bằng cách bón phân hữu cơ cho vườn cây ăn trái. Phân hữu cơ sẽ giúp đất tơi xốp, giữ nước, giữ phân, hạn chế thất thoát phân bón...
Về cách bón:
+ Cần lưu ý bón theo tán cây, cách gốc từ 1-1,5 m vì rễ cây ở phần gần gốc không còn hấp thu dinh dưỡng tốt, mà phần rễ tơ ở bên ngoài mới hút dinh dưỡng tốt nhất.
+ Nên xới xáo mặt đất trước khi bón hoặc đào hốc, đào rãnh để vùi phân vì phân bón rất dễ bị mất đi do bị rửa trôi hay bốc hơi, nhất là phân đạm.
+ Sau khi bón phân xong, cần tưới đủ nước để phân tan và cung cấp cho cây. Nếu bón phân mà không cung cấp đủ nước sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng phân bón.
Ngoài ra, có thể bổ sung phân bón qua lá 2-3 lần trong giai đoạn nuôi trái, thúc đẩy quá trình phát triển trái và tăng chất lượng màu sắc của trái. Tuy nhiên, nếu trời âm u, mưa nhiều, bệnh phát triển... thì nên hạn chế sử dụng phân bón lá.
3. Lượng phân bón:
Cần gia giảm liều lượng phân bón tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng cây, từng vườn. Lượng phân bón tăng dần từng năm theo độ lớn của cây. Giai đoạn cây đã cho trái, năm trước được mùa thì năm sau phải bón nhiều hơn năm thất mùa; trong cùng một vườn, những cây cằn cỗi cần được bón nhiều hơn cây sung tốt; Cây mang nhiều trái thì cần bón nhiều hơn cây ít trái..., Nói chung, trước khi bón phân cần “Trông trời, trông đất, trông cây”... thì mới giảm được thất thoát, nâng cao được hiệu quả sử dụng phân bón, đồng thời còn giúp đảm bảo chất lượng trái khi thu hoạch và an toàn cho người tiêu dùng.